Mặc kệ con khóc để rèn tính tự lập là sai lầm

Gia đình – Nhiều cha mẹ nghĩ rằng, để con khóc chán rồi tự nín sẽ rèn cho bé ngoan ngoãn và tự lập nhưng đó lại là một quyết định hết sức sai lầm.

Để con khóc chán rồi tự nín là cách được nhiều phụ huynh tin rằng sẽ giúp trẻ hình thành sự tự lập, không ỉ vào cha mẹ, yếu đuối, ủy mị. Thậm chí, vào đầu thếkỷ 20, trong cuộc phản biện với các nhà tâm lý học, John Watson còn xây dựng học thuyết cảnh báo rằng quá nhiều tình thương sẽ có tác hại tiêu cực đến trẻ.

Tuy nhiên, các chuyên gia đã chứng minh rằng việc bỏ mặc trẻ sơ sinh khóc là hoàn toàn sai lầm. Nghiên cứu được thực hiện gần đây bởi các nhà thần kinh học đã cho thấy rằng, việc để mặc trẻ khóc trong một thời gian dài khiến cơ thể trẻ tăng tiết hormone stress như cortisol – một hormone cực kỳ nguy hại cho não bộ của trẻ.

Loading...

Mặc kệ con khóc là sai lầm

Điều này không giúp trẻ tự lập như nhiều người nghĩ, mà ngược lại trẻ sẽ không cảm nhận được sự yêu thương, khi lớn lên dễ trở nên lo lắng, tâm lý không ổn định, dễ tổn thương và hay suy nghĩ cực đoan.

Ngược lại, bạn nên quan tâm đến những nhu cầu thiết yếu của con, hãy ôm trẻ vào lòng khi con bực tức khó chịu hay khóc lóc. Đừng nhầm lẫn giữa việc dạy con tự lập và việc bỏ mặc trẻ khóc.

Bố mẹ nên đáp ứng tiếng khóc của con bằng cách ôm lấy trẻ, bế con lên một cách nhẹ nhàng và trò chuyện với con. Bằng cách này em bé sẽ cảm nhận được tình yêu thương và sự quan tâm, chăm sóc của bố mẹ. Theo các chuyên gia, điều này rất có lợi cho sự phát triển trí tuệ và cả nhân cách của mình.

Những em bé được thỏa mãn nhu cầu ôm ấp, bế ẵm khi còn nhỏ khi lớn lên thường vui vẻ, hoạt bát và biết tiết chế cảm xúc tốt hơn những trẻ thường bị bỏ mặc. Vì thế hãy dừng ngay nếu bạn đang có ý định bỏ mặc con khóc để luyện ngủ cho bé, hay để rèn tính tự lập.

Để con khóc rồi tự nín hay nhẹ nhàng xoa dịu cảm xúc của con để con bình tĩnh trở lại và nín khóc vẫn là hai quan điểm khiến các bậc phụ huynh tranh luận suốt thời gian dài. Anh Thành Long, ông bố hai con ở Hà Nội, đã chia sẻ trải nghiệm của chính mình như góp thêm một ý kiến để các phụ huynh lựa chọn phương pháp giáo dục phù hợp với con trẻ. Bài viết của anh thu hút hơn 12.000 lượt Like và hơn 9.000 bình luận.

Anh Thành Long bảo điều mà anh gặp phải hôm 15/9 là “cảm giác tồi tệ” mà anh chưa từng trải qua từ trước đến nay. “Con khóc hờn gọi nhớ mẹ mấy phút rồi nằm vật ra co giật, sùi bọt mép, mặt chuyển dần sang tím ngắt. Tất cả diễn ra trong 1-2 phút mà con làm cả nhà như chết lặng, không biết phải làm gì. Bố và ông bà chỉ biết bế con lên, gọi con theo bản năng, chỉ kịp nghĩ là gọi cấp cứu rồi chạy ra đường đập cửa bất cứ xe nào nhờ đưa con đi cấp cứu”, ông bố hai con kể lại.

Cả đoạn đường đến bệnh viện, bé Nhật Nam (2,5 tuổi), con trai anh Long, vẫn ngất lịm trên tay bố, hàm răng cắn chặt ngón tay bố rồi thở yếu dần. Cậu bé chỉ tỉnh lại khi đã được đưa đến khoa cấp cứu của bệnh viện Saint Paul một lúc. Nhật Nam được các bác sĩ khám, làm xét nghiệm và truyền dịch suốt cả một ngày. Tới buổi tối, cậu bé tỉnh táo, vui vẻ như thường ngày và được trở về nhà.

Mọi chuyện diễn ra nhanh và chỉ khi nhìn thấy con khỏe mạnh trở lại, anh Thành Long mới thở phào và cầu nguyện: “Cả cuộc đời không bao giờ phải trải qua cảm giác tồi tệ này một lần nào nữa”.

Ông bố Hà Nội cho biết con trai anh hoàn toàn không có vấn đề gì về sức khỏe. Bé lịm đi có thể do bị ức chế tâm lý dẫn đến xúc động mạnh bởi cảm giác tủi thân, cô đơn không ai dỗ dành. Thường ngày, anh Long luôn chọn cách nói chuyện, thủ thỉ tâm tình để uốn nắn các con những hành vi chưa đúng. Đây là lần đầu tiên anh thử áp dụng cách “để con khóc rồi tự nín” nhưng có lẽ cũng là lần cuối cùng anh thực hiện. Anh mong muốn các con được lớn lên trong môi trường giàu tình cảm yêu thương.

Loading...